Truy cập nội dung luôn
SỞ NỘI VỤ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Cho ý kiến về dự thảo Đề án, Nghị quyết Chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030

31/08/2021 09:39    220

Chiều 30-8, đồng chí Trần Phước Hiền- Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì họp để nghe và cho ý kiến về dự thảo Đề án, Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

Theo dự thảo Nghị quyết, phấn đấu đến năm 2025, các cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, khai báo một lần, sử dụng tất cả các dịch vụ công trực tuyến; triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã.

Phấn đấu 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế- xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND các cấp được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Quảng Ngãi, Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Đồng thời, phấn đấu 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần; tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; tối thiểu 20% thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước được cắt giảm so với hiện nay.

Phấn đấu đến năm 2025, chỉ số chuyển đổi số của tỉnh nằm trong nhóm tỉnh dẫn đầu của cả nước, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân (SIPAS), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index).

Quang cảnh cuộc họp

 

Về phát triển kinh tế số, xã hội số, phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 70%; phấn đấu hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu tại cuộc họp, đồng chí Trần Phước Hiền- Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu, hoàn chỉnh dự thảo Đề án, Nghị quyết trình UBND tỉnh, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét ban hành Nghị quyết. Trong đó, Nghị quyết trình bày ngắn gọn, tập trung vào các nội dung trọng tâm đến năm 2025, tạo động lực cho phát triển kinh tế- xã hội, sự hưởng ứng, tham gia của tổ chức, cá nhân và đúng theo chỉ đạo và định hướng của Trung ương và của Chính phủ.

Đối với Đề án, cần lưu ý đến các lĩnh vực ưu tiên, nòng cốt để làm nền tảng chuyển đổi số đến năm 2025. Phải đánh giá được hiện trạng hệ thống hạ tầng cả phần cứng và phần mền, nêu bật những ưu, nhược điểm; phục vụ cho việc tích hợp tất cả các sở, ban ngành, địa phương; đảm bảo gần gũi, tiện lợi, dễ sử dụng cho người dân, tổ chức cá nhân, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn. Mô hình hướng đến năm 2025 phải đạt chỉ tiêu của Nghị quyết được ban hành, phải nằm trong nhóm tỉnh dẫn đầu của cả nước về chuyển đổi số; phục vụ đắc lực cho công tác quản lý điều hành của Lãnh đạo từ cấp tỉnh đến cấp huyện,…

Theo quangngai.gov.vn