Truy cập nội dung luôn
SỞ NỘI VỤ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết

31/03/2022 16:35    434

Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, là yêu cầu khách quan của sự phát triển. Xu hướng phát triển hiện nay mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các cấp, ngành, địa phương vì tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.

Chuyển đổi số còn hạn chế 
 
Giám đốc Sở TT&TT Trần Thanh Trường
Giám đốc Sở TT&TT Trần Thanh Trường
Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng, phát triển chính quyền điện tử và đã đạt được những kết quả quan trọng. Trung tâm dữ liệu dùng chung của tỉnh được đưa vào sử dụng, bảo đảm để vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh. Cổng dịch vụ công của tỉnh đã cung cấp hơn 880 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành dùng chung thống nhất trong toàn tỉnh đã liên thông 4 cấp và liên thông với các cơ quan đảng cấp huyện trong toàn tỉnh; triển khai hơn 2.300 chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước trong tỉnh. Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Hệ thống phần mềm một cửa đã triển khai đồng bộ đến cấp xã; công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng được chú trọng; 100% cán bộ, công chức, viên chức được ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyên môn...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng, phát triển chính quyền điện tử ở Quảng Ngãi còn nhiều hạn chế cần sớm cải thiện. Đó là, chưa có sự quan tâm đúng mức từ các cấp lãnh đạo; công dân số chưa được phát triển dẫn đến tình trạng nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 không phát sinh hồ sơ trực tuyến; các ứng dụng chuyên ngành còn mang tính cục bộ, chưa hình thành các nền tảng số, dữ liệu số dùng chung; trình độ, năng lực của một số công chức, viên chức tham mưu triển khai thực hiện, phụ trách công tác ứng dụng công nghệ thông tin ở các cơ quan trong tỉnh còn hạn chế và thường xuyên thay đổi; nguồn lực tài chính và nhân lực bố trí cho việc triển khai nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử còn hạn chế. Cùng với đó, điều kiện, cơ sở vật chất ở nhiều sở, ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ; các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên môi trường số, dịch vụ đô thị thông minh chưa phát triển mạnh.
Năm 2021, lần đầu tiên Bộ TT&TT phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức Hội thảo Công bố kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020. Theo đó, chỉ số chuyển đổi số (DTI) của Quảng Ngãi xếp thứ 47/63 tỉnh, thành phố (trong đó, chính quyền số xếp thứ 44, kinh tế số xếp thứ 31 và xã hội số xếp thứ 59). Như vậy, so với mặt bằng chung thì Quảng Ngãi đang đứng ở vị trí rất thấp (nhất là chỉ số xã hội số) và có thể nói rằng, chuyển đổi số ở Quảng Ngãi mới chỉ bắt đầu khởi động từ năm 2022.
Chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, chính phủ số là cấu thành quan trọng của chuyển đổi số quốc gia và có sứ mệnh dẫn dắt, chính phủ số phải đi trước, đi đầu và tạo không gian phát triển cho kinh tế số, xã hội số. Chuyển đổi số phải lấy người dân, DN là trung tâm và tạo mọi điều kiện để người dân, DN đồng hành trong quá trình chuyển đổi số.

Phải tạo bước đột phá

 
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh được tổ chức vào đầu năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Đặng Văn Minh nhấn mạnh, chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm, thường xuyên, liên tục của tất cả các cấp, ngành và của cả hệ thống chính trị; sự tham gia của người dân, doanh nghiệp (DN), của cộng đồng xã hội để từ đó xác định ưu tiên nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, chuyển đổi số; gắn trách nhiệm chuyển đổi số với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; lấy kết quả thực hiện chuyển đổi số để đánh giá người đứng đầu. Chuyển đổi số của Quảng Ngãi trong thời gian tới phải có sự chuyển biến tích cực, tạo bước đột phá, từ năm 2022 nâng kết quả xếp hạng đạt mức trung bình khá trở lên.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến cần thực hiện 3 trụ cột trọng tâm sau:
Trước hết về chính quyền số, với định hướng trong giai đoạn 2022 -  2025, xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, trong năm 2022 cần tiếp tục quán triệt, tăng cường ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả các phần mềm dùng chung, các cơ sở dữ liệu đã đầu tư; đẩy mạnh xây dựng và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, DN. Tiếp tục  đẩy mạnh triển khai các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. 
 
Tập huấn kiến thức về chuyển đổi số cho đoàn viên, thanh niên huyện Mộ Đức. Ảnh: Q.NGHĨA
Tập huấn kiến thức về chuyển đổi số cho đoàn viên, thanh niên huyện Mộ Đức. Ảnh: Q.NGHĨA
Với vai trò dẫn dắt, chính quyền số phải tiên phong phát triển để tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số và xã hội số. Do đó, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp về phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số và chuyển đổi số. Thực hiện rà soát, đánh giá lại nhiệm vụ, kinh phí đã bố trí để phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số và có đề xuất, kiến nghị những nhiệm vụ cụ thể cần ưu tiên làm trước trong năm 2022 và những  năm tiếp theo. Chủ động, ưu tiên triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị. Hình thành kho dữ liệu dùng chung để khai thác, phát huy hiệu quả và làm nền tảng để triển khai chuyển đổi số trong thời gian đến. 
Về kinh tế số, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận và hoạt động trong môi trường số, hỗ trợ các DN, hộ gia đình quảng bá sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử có uy tín; hỗ trợ các DN nhỏ và vừa tiếp cận các nền tảng số và chuyển đổi số. Hợp tác với một số DN viễn thông, công nghệ thông tin, DN số có uy tín, năng lực, kinh nghiệm để tham gia xây dựng phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, định hướng chuyển đổi số. Đồng thời, triển khai áp dụng Bộ chỉ số chuyển đổi số DN để đánh giá rộng rãi các DN trên địa bàn tỉnh, qua đó giúp DN có lộ trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số phù hợp. Đẩy mạnh triển khai thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh liên quan đến hỗ trợ DN. 
Trong khi đó, xã hội số bắt đầu từ công dân số, nên thời gian đến sẽ đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng trí tuệ nhân tạo để truyền thông trên các nền tảng số theo phương châm “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp cận và dễ lan tỏa”, nhằm giúp người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, thanh toán điện tử trên các nền tảng số, từng bước hình thành công dân số. Mở chuyên mục chuyển đổi số trên trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Triển khai Chương  trình  phối  hợp giữa Sở TT&TT và Tỉnh đoàn về thực hiện nhiệm vụ phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và chuyển  đổi  số  trên  địa  bàn  tỉnh  đến  năm  2025. 
Qua đó, sẽ tập huấn để đoàn viên, thanh niên nắm các chủ trương, chính sách, kế hoạch của trung ương và của tỉnh về phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và chuyển đổi số, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai thác, sử dụng các nền tảng số và dịch vụ công trực tuyến để hỗ trợ người dân. Thành lập các tổ công nghệ cộng đồng ở các thôn, tổ dân phố để thúc đẩy chuyển đổi số, đưa người dân lên môi trường số, để người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.
Để thực hiện thành công nội dung về chuyển đổi số, cần sự quyết tâm, đồng hành của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân, DN, cộng đồng xã hội. Hy vọng rằng, với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cùng với sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chuyển đổi số Quảng Ngãi sẽ từng bước phát triển và đạt được vị trí cao trong tương lai không xa./.
Theo baoquangngai.vn