Truy cập nội dung luôn
SỞ NỘI VỤ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Luật Thi đua, khen thưởng 2022 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

22/07/2022 16:08    312

Ảnh minh hoạ

Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 gồm 8 chương, 96 điều, quy định rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng "tích lũy thành tích, cộng dồn thành tích"... Đồng thời, Luật cũng quy định chú trọng khen thưởng tập thể ở cơ sở, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ… quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Luật đã quy định cụ thể các hình thức khen thưởng, bao gồm: Huân chương; Huy chương; Danh hiệu vinh dự nhà nước; “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”; Kỷ niệm chương; Bằng khen; Giấy khen.

Như vậy, Luật Thi đua, khen thưởng 2022 đã bỏ hình thức khen thưởng “Huy hiệu”. Hiện nay, Huy hiệu để tặng cho cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Luật Thi đua khen thưởng cũng thay đổi nguyên tắc xét thi đua, khen thưởng. Theo đó, căn cứ xét thi đua bao gồm: Phong trào thi đua; Thành tích thi đua; Tiêu chuẩn danh hiệu thi đua. Như vậy, so với quy định hiện hành, Luật đã bỏ đi căn cứ “Đăng ký tham gia thi đua”.

Đối tượng được tặng Huân chương lao động cũng thay đổi, cụ thể, đối tượng được tặng huân chương lao động ở các hạng bao gồm: Cá nhân; Công nhân, nông dân; Doanh nhân, trí thức, nhà khoa học; Tập thể; Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác; Cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài.

Đáng quan tâm, Luật đã bổ sung đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”. Theo đó, danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” để tặng cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm: Diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, phát thanh viên; Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật không thuộc đối tượng trên do Chính phủ quy định. Như vậy, so với hiện hành đã bổ sung đối tượng là người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật khác do Chính phủ quy định.

Luật cũng bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, quy định thực hiện tặng và truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với Thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng, có thời gian tại ngũ từ 02 năm trở lên.

Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc đã được công nhận liệt sĩ thì được truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang.

Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung nhiều hình thức khen thưởng cho người nước ngoài. Cụ thể, người nước ngoài được xét tặng khen thưởng với các hình thức sau: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Hữu nghị; Huy chương Hữu nghị; "Giải thưởng Hồ Chí Minh"; "Giải thưởng Nhà nước"; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Với nhiều điểm mới nêu trên, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 được kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức, thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc và cả hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng…

Luật Thi đua, khen thưởng 2022 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Tin liên quan