Truy cập nội dung luôn
SỞ NỘI VỤ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Quảng Ngãi đứng thứ 27 về chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022

19/04/2023 14:53    480

Sáng 19-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu Chính phủ, kết nối đến 63 tỉnh, thành phố và các cấp huyện, xã. Tại điểm cầu Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chủ trì, cùng sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền và lãnh đạo các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính cấp tỉnh.

 

Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tốt phương châm: Cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, lấy con người là trung tâm, cải cách đóng vai trò dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ, thúc đẩy. Đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.200 quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa gần 1.100 quy định của 10 bộ, cơ quan. Đã công khai, cập nhật hơn 17.800 quy định kinh doanh. Chất lượng dịch vụ công trực tuyến được cải thiện đã cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cổng Thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đã thực hiện 250/261 dịch vụ công trực tuyến của 13 bộ, ngành với hơn 55 nghìn doanh nghiệp tham gia.

Đề án 06 được chỉ đạo, triển khai quyết liệt. Trong quý I/2023, đã hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chia sẻ, làm sạch dữ liệu với 13 bộ, ngành, 63 địa phương, 3 doanh nghiệp bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”. Đến nay, đã cấp hơn 79,5 triệu thẻ căn cước gắn chip điện tử, tăng gần 2,9 triệu thẻ so với năm 2022.

Về chuyển đổi số trong thực hiện TTHC, việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được đẩy mạnh.  Đến nay, có 25,9% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng, tăng 5 lần so với tháng 9/2022; 62,7% hồ sơ TTHC được số hóa, trong đó có 25% được số hóa hoàn toàn từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả, tăng 4 lần so với tháng 9/2022.

Đại biểu dự họp tại điểm cầu Quảng Ngãi

Tại phiên họp, Bộ Nội vụ đã công bố kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022).

Để triển khai, đánh giá xác định Chỉ số CCHC năm 2022, Bộ Nội vụ đã tiến hành khảo sát hơn 86.000 phiếu, trong đó, có 36.095 phiếu của người dân; 50.109 phiếu điện tử khảo sát nhóm đối tượng là công chức, lãnh đạo, quản lý các cấp tại bộ, cơ quan, địa phương. Đây là một cuộc điều tra xã hội học có quy mô lớn, có tính toàn diện, đa dạng, đa chiều, tiếp cận đánh giá từ dưới lên trên, đánh giá cả bên trong và bên ngoài cơ quan, tổ chức.

Kết quả Chỉ số CCHC 2022 của các tỉnh, thành phố được phân theo 3 nhóm. Trong đó, Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, gồm 2 tỉnh, thành phố. Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% - dưới 90%, gồm 56 tỉnh, thành phố. Nhóm C, đạt kết quả Chỉ số từ 70% - dưới 80%, gồm 5 tỉnh, thành phố.

Theo kết quả đánh giá, Quảng Ninh là tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2022 với kết quả đạt 90,10%. Đứng thứ 2 là thành phố Hải Phòng với kết quả đạt 90,09%. Đứng cuối bảng xếp hạng là tỉnh Phú Yên, đạt 75,99%, thấp hơn 5,42% so với kết quả của năm 2021.

Với kết quả đạt 86,07%, tỉnh Quảng Ngãi vươn lên xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 12 bậc so với năm 2021 (xếp thứ 39/63 tỉnh, thành) và đứng thứ 6/14 tỉnh/thành khu vực miền Trung- Tây Nguyên.

Người dân quan tâm đến 8 nhóm chính sách

Về chỉ số hài lòng của người dân đối với với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, trong 63 tỉnh, thành phố, tỉnh có chỉ số cao nhất là Quảng Ninh, với 87,59% và tỉnh có chỉ số thấp nhất là Bình Thuận, với 72,54%.

Mặc dù đã có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, song, với kết quả 77,75%, Quảng Ngãi được đánh giá xếp thứ 49/63 về chỉ số Mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022.

Theo kết quả khảo sát, người dân quan tâm đến 8 nhóm chính sách ở các mức độ rất khác nhau. Người dân quan tâm nhiều nhất đến chính sách khám, chữa bệnh, với mức độ rất quan tâm là 71,82%, quan tâm một chút là 25,8% và không quan tâm là 2,34%; quan tâm đến chính sách phát triển kinh tế thấp nhất, với mức độ rất quan tâm chỉ là 57,07%, quan tâm một chút là 37,49% và không quan tâm là 5,44%.

Trong số 36.095 người dân tham gia khảo sát trong cả nước, 40,93% sẵn sàng tham gia ý kiến góp ý chính sách nếu được biết thông tin; 29,62% sẵn sàng tham gia nếu được tạo điều kiện thuận tiện; 24% khẳng định chắc chắn sẽ tham gia vì bản thân họ mong muốn.

Đẩy mạnh rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điểm lại một số kết quả các Bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong thời gian qua và chỉ ra các điểm tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp

Căn cứ vào kết quả Chỉ số SIPAS 2022 và chỉ số PAR INDEX 2022 vừa được công bố, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần xác định rõ ưu điểm, nhược điểm, nguyên nhân để rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục các bất cập để đẩy mạnh tốc độ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, gia tăng mức độ hài lòng của Nhân dân.

Từng cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, gắn với chuyển đổi số; chuẩn bị đầy đủ nguồn lực để triển khai thực hiện Đề án 06; giải quyết dứt điểm các thủ tục rườm rà, rà soát sửa đổi các chính sách không còn phù hợp, gây phiền hà cho dân.

Các Bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm hơn nữa, quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, lâu dài, chú trọng đến tiếp cận thủ tục hành chính nhanh của người dân, doanh nghiệp, hướng tới nâng cao hơn nữa chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và cả nước.