Truy cập nội dung luôn
SỞ NỘI VỤ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Tuyên truyền, giới thiệu gương điển hình tiên tiến của tỉnh Quảng Ngãi

19/01/2023 09:15    100

Ảnh minh hoạ

Tiếp tục triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, giới thiệu gương điển hình tiên tiến theo Công văn số 259/BTĐKT-TC ngày 24/02/2021của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh lựa chọn, giới thiệu 03 điển hình tiến tiến đến Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương như sau:

1. Bà Huỳnh Thị Thương (còn gọi là bà Tư Thương) một Nghệ nhân ở làng Gò Cỏ, xã Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi

Bà Tư Thương năm nay 69 tuổi, ở làng Gò Cỏ. Trong những lần đi học tập kinh nghiệm làm du lịch ở Hội An, Cù Lao Chàm…chỉ trong thời gian ngắn, bà Thương đã sáng tác ra được một bài bài chòi và ngân nga hò “thiết đãi” chủ nhà khiến mọi người thán phục. Khi bà Thương bộc bạch mình chưa biết chữ càng khiến mọi người “há hốc”. Bài chòi dựa cơ bản dựa trên sự gieo vần, nhưng để thành một ca từ dài và xuyên suốt thì chưa bao giờ là điều dê dàng. Bởi vậy mà bây giờ, khi bài chòi thành di sản phi vật thể nhân loại, người ta lại lo lắng cho sự thất truyền.

Có hôm một du khách lấy cuốn sổ ghi chép bài chòi bà sáng tác ra xem. Người này không hiểu bà viết chữ gì và cứ nghĩ đây là ký tự cổ.  Bà nói: "Tôi gạch dọc gạch ngang chỉ có mình tôi hiểu, chứ có phải chữ cổ nào đâu”. "Tôi sáng tác nhiều hơn khi mọi người tìm đến làng. Đó là cách tôi có thể giới thiệu đến du khách ghé làng về nơi này. Mọi người thích thú càng khiến tôi sáng tác nhiều hơn. Dần dà lớp trẻ cũng học theo, giờ làng có đội bài chòi hẳn hoi", bà Thương tâm tình.

Gần tuổi 70, bà Thương lại mày mò học chữ. Trong 3 năm qua, bà Thương đã sáng tác hơn 20 bài chòi. Trong đó có 15 bài được Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ chép lại và lưu giữ. Những sáng tác còn lại, bà Thương đang chỉnh sửa, hoàn thiện. Dự định sắp tới, bà Thương cho biết sẽ học chữ rành rọt, thời gian rảnh rỗi sẽ cùng chị em trong làng tập hát để biểu diễn cho du khách xem. "Tất nhiên, tui sẽ cố gắng sáng tác nhiều hơn nữa, biết chữ dễ sáng tác hơn nhiều. Tuổi tui cũng cao rồi, tui mong sẽ có thêm những ca từ mới, tập hợp thành một tập bài chòi lưu lại cho làng để mai sau con cháu diễn xướng đón khách. Chưa khi nào làng và bản thân tui lại có khởi sắc đến vậy. Tui mừng lắm", bà Thương tâm tình.

Chị Nguyễn Thị Diễm Kiều (giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ) nói: “những làn điệu bài chòi do bà Thương sáng tác là tài sản vô giá của làng và là điểm nối của thế hệ trước với thế hệ sau. Khi sự sáng tạo mất đi thì sự mai một là điều khó tránh khỏi. “Cô Thương như ngọn lửa giữ lại bài chòi vậy. Sắp đến, Hợp tác xã sẽ hỗ trợ cô đưa những sáng tác của mình đi xa hơn. Vùng đất không có văn hóa thì sẽ là vùng đất chết, nên cô Thương góp công rất lớn để làm sống lại ngôi làng”.

2. Sáng kiến mang lại lợi ích cho ngư dân của anh Phạm Văn Thanh, cán bộ phụ trách bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Trung tâm Phục vụ- Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Quảng Ngãi

Anh Phạm Văn Thanh có hơn 4 năm công tác tại Trung tâm Phục vụ- Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Quảng Ngãi, nhiệm vụ của anh là theo dõi kiểm soát việc giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế, tháng 10 năm 2021 anh đã đề xuất giải pháp, sáng kiến cấp lại Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và Giấy phép khai thác thủy sản cho ngư dân qua điện thoại.

Trước đây, khi cần cấp mới và gia hạn giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và giấy phép khai thác thủy sản, ngư dân phải trực tiếp đến Trung tâm Phục vụ- Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Quảng Ngãi để tiến hành các thủ tục. Nhiều chủ tàu phải bỏ dở phiên biển, thậm chí lỗ chi phí cho chuyến biển để kịp lo liệu các thủ tục hồ sơ, giấy tờ gia hạn theo quy định.

Từ khi áp dụng sáng kiến của anh Phạm Văn Thanh, ngư dân Quảng Ngãi chỉ cần gọi điện thoại đến tổng đài của Trung tâm Phục vụ- Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Quảng Ngãi cung cấp họ và tên, số điện thoại, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, kích thước tàu cá, thời gian đề nghị kiểm tra, địa chỉ tàu cá đang neo đậu và địa chỉ nhận kết quả giải quyết tại nhà. Phần việc còn lại do chuyên viên của trung tâm này phối hợp các cơ quan có thẩm quyền xử lý. Gần một năm áp dụng sáng kiến đã có hơn 2000 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi được cấp lại Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và Giấy phép khai thác thủy sản qua điện thoại giúp tiện kiệm chi phí cho ngư dân và ngân sách nhà nước gần 2 tỷ đồng.

Quảng Ngãi là địa phương đầu tiên của cả nước áp dụng hình thức nộp hồ sơ tàu cá và nhận kết quả giải quyết tại nhà chỉ cần gọi điện thoại, cách làm này tương ứng với hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp hiện nay sáng kiến của anh Thanh được nhân rộng vào việc giải quyết thủ tục hành chính cấp giấy phép cho lao động nước ngoài bước đầu bước đầu được doanh nghiệp và người dân hài lòng đánh giá cao.

3. Cô giáo Võ Thị Thu Vân, giáo viên mỹ thuật của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Quảng Ngãi

Dạy trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng là một quá trình kiên trì có phương pháp và nhiều yêu thương. Cà phê “Nắng” ra đời là 1 dự án nhỏ của cô giáo Vân với mục đích rèn luyện kỹ năng cuộc sống cho các em học sinh. Cà phê “Nắng” được mở ở một góc nhỏ của Trung tâm giáo dục tỉnh Quảng Ngãi hoạt động vào mỗi buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6, cô giáo Vân là người quản lý điều hành hoạt động, còn người phục vụ là các em học sinh và cựu học sinh của Trung tâm, khách uống cà phê chủ yếu là các thầy cô giáo, phụ huynh và một số người quen.

Tại cà phê “Nắng”  các em được hướng dẫn cách pha chế cà phê, mang cà phê phục vụ khách, cách tính tiền, cách giao tiếp với mọi người. Những việc tưởng chừng đơn giản nhưng rất khó khăn với những trẻ bị khuyết tật. Chị Nguyễn Thị Thu Vân, mẹ của học sinh khuyết tật nói: “Ở nhà các con không tự bưng bê hay giúp mẹ, nhưng khi được học ở đây, có kỹ năng, các con làm được những việc như tự giặc quần áo, lâu nhà, rửa chén để giúp mẹ, chị thấy vui”. Cô giáo Vân chia sẻ: “lúc nào cô cũng chỉ ước mơ thôi, ước mơ để các em vương cao, nhưng ước mơ thì chưa thành hiện thực. Vì vậy chọn “Nắng” thì ánh nắng sẽ được chiếu khắp mọi nơi, chiếu tới các em, các em là những bông hoa, tuy những bông hoa không hoàn thiện, ánh nắng sẽ chiếu tới các em thì các em sẽ được bung nở”.

Cô giáo Võ Thị Thu Vân đã có hơn 10 năm công tác tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Quảng Ngãi, cô luôn nhiệt huyết và có nhiều sáng tạo trong hoạt động chuyên môn, nhất là rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh bị khuyết tật khiếm thính và khuyết tật trí tuệ, những kiến thức chuyên ngành mỹ thuật, công tác đội được cô phát huy và truyền đạt giúp học sinh nuôi dưỡng tâm hồn và tình yêu hội họa. Nhiều học sinh do cô hướng dẫn đã được giải thưởng cao trong các hội thi mỹ thuật do tỉnh Quảng Ngãi tổ chức.

Luôn lấy học sinh làm trung tâm, cô giáo Vân có nhiều sáng kiến trong tổ chức lớp học thân thiện bằng các kiến thức trò chơi phù hợp để giúp học sinh khiếm thính học tốt hơn. Trong đó sáng kiến giúp học sinh học tốt môn mỹ thuật theo phương pháp Đan mạch đã đạt giải tại Hội thi tìm kiếm giải pháp sáng kiến về nâng cao chất lượng giáo dục và dạy học cho học sinh khuyết tật lần thứ nhất năm 2021. Năm ngoái, cô Vân là 01 trong 02 bí thư Chi đoàn của tỉnh Quảng Ngãi được nhận giải thưởng Lý Tự Trọng của Trung ương đoàn dành cho cán bộ đoàn cơ sở xuất sắc toàn quốc.

Cô giáo Vân và nhiều thầy cô giáo khác vẫn đang miệt mài chắp cánh ước mơ, giúp những học sinh kém may mắn phát triển và hòa nhập cộng đồng, hạnh phúc của thầy cô chỉ đơn giản là được nhìn thấy các em thay đổi và tiến bộ từng ngày./.