Truy cập nội dung luôn
SỞ NỘI VỤ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với chuyển đổi số

01/06/2022 15:02    444

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ vừa ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

 

Theo đó, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch số 271-KH/TU ngày 27/3/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong công tác xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và chuyển đổi số; xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về hiện đại hóa nền hành chính của địa phương trong chương trình tổng thể cải cách hành chính theo từng giai đoạn và hằng năm,..

Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chủ trì, lãnh đạo thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn, lĩnh vực quản lý; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về các chủ trương, chính sách liên quan đến chuyển đổi số và thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo phương châm: Nhận thức đóng vai trò quyết định; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; nền tảng số là đột phá; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin là then chốt; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số. 

Chuyển đổi số phải hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; lĩnh vực nào người dân, doanh nghiệp cần thì tập trung chuyển đổi trước. Tập trung phổ cập và phát triển công dân số; trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung nguồn lực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số ở một số lĩnh vực trọng tâm như: Nông nghiệp và thương mại; giáo dục; y tế; giao thông vận tải và logistics; tài nguyên và môi trường; du lịch; tài chính - ngân hàng;… 

Phải xác định chuyển đổi số là “động lực” quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và có tính động, tính mở để phù hợp, đúng với định hướng, chỉ đạo của Trung ương trong từng giai đoạn phát triển; là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và địa phương. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng Chiến lược chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và gắn nhiệm vụ chuyển đổi số với hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. 

Lấy kết quả thực hiện chuyển đổi số để đánh giá người đứng đầu. Chuyển đổi số trong thời gian tới phải đạt được mục tiêu có sự chuyển biến tích cực, tạo bước đột phá, nâng kết quả xếp hạng chuyển đổi số của tỉnh lên đạt mức trung bình khá trở lên từ năm 2022. 

Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đối với từng chỉ số thành phần của chỉ số chuyển đổi số; hàng năm, ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh bảo đảm thiết thực, hiệu quả và phù hợp với định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. 

Triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thực hiện chuyển đổi số theo hướng toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số chuyển đổi số, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, hình thành cộng đồng doanh nghiệp số và tích cực thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh. 

Nghiên cứu bố trí nguồn lực để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, số hóa dữ liệu. Tập trung chỉ đạo, triển khai số hóa dữ liệu phục vụ hoạt động của cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm tập trung, đồng bộ, chia sẻ liên thông và an toàn thông tin. Hình thành cơ sở dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác thuận lợi. 

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, phát triển nguồn nhân lực về chuyển đổi số để trở thành lực lượng nòng cốt tham mưu về chuyển đổi số. Đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng trí tuệ nhân tạo để truyền thông trên các nền tảng số theo phương châm “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp cận và dễ lan tỏa” nhằm giúp người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, thanh toán điện tử trên các nền tảng số, từng bước hình thành công dân số. 

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các nền tảng công nghệ số; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp có năng lực, uy tín trong lĩnh vực công nghệ thông tin để hợp tác, thuê dịch vụ, ưu tiên triển khai các nền tảng ứng dụng dùng chung, giảm mua sắm, nâng cao hiệu quả đầu tư,…