Truy cập nội dung luôn
SỞ NỘI VỤ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Quảng Ngãi: Tập trung cải thiện mạnh mẽ các chỉ số thành phần PCI

02/02/2023 16:02    255

Ảnh minh hoạ

Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đó là mục tiêu chính của Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Ngãi năm 2023 vừa được UBND tỉnh ban hành.

Tăng vị trí xếp hạng trong tốp 20-25/63 tỉnh, thành phố

Kế hoạch đưa ra mục tiêu cụ thể là tập trung cải thiện điểm số các chỉ số thành phần, tăng dần vị trí xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Quảng Ngãi, trong năm 2023 nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành “khá”, phấn đấu điểm số PCI đạt trên 65,5 điểm, vị trí xếp hạng trong tốp 20-25/63 tỉnh, thành phố.

Trong đó, điểm giá trị các chỉ số thành phần cụ thể như: Chỉ số Gia nhập thị trường đạt từ 7,42 điểm trở lên; Chỉ số Tiếp cận đất đai đạt từ 7,43 điểm trở lên; Chỉ số Tính minh bạch đạt từ 6,02 điểm trở lên; Chỉ số Chi phí thời gian đạt từ 8,38 điểm trở lên; Chỉ số Chi phí không chính thức đạt từ 7,12 điểm trở lên; Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng đạt từ 6,02 điểm trở lên; Chỉ số Tính năng động của chính quyền tỉnh đạt từ 6,75 điểm trở lên; Chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đạt từ 6,55 điểm trở lên; Chỉ số Đào tạo lao động đạt từ 5,91 điểm trở lên; Chỉ số Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự đạt từ 7,21 điểm trở lên.

Các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao Chỉ số PCI

Để đạt được các chỉ số nêu trên, UBND tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Thủ trưởng các sở, ban ngành, địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả các quy hoạch sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chỉ đạo, giám sát, kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính. Triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh và Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã để phục vụ cho việc tích hợp, chia sẻ, tra cứu thông tin và tái sử dụng để thực hiện các thủ tục hành chính khác.

Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, đề án, nhiệm vụ, hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho tất cả các thành phần kinh tế phát triển. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, dự án theo thẩm quyền được giao; hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã cấp phép đầu tư; tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các dự án đầu tư chậm tiến độ.

Nâng cao chất lượng phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết thủ tục hành chính và trả lời, giải quyết dứt điểm các kiến nghị của doanh nghiệp, góp phần cũng cố niềm tin của doanh nghiệp vào hệ thống chính quyền.

Chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp kém hiệu quả, rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

Nghiên cứu, rà soát các quy định về danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; kiến nghị các cấp có thẩm quyền đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với các ngành nghề có thể áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn, đơn giản hóa, cắt giảm các quy định không cần thiết, không khả thi, thiếu cụ thể, khó xác định và không dựa trên cơ sở khoa học; rà soát các loại chứng chỉ hành nghề để đề xuất, kiến nghị thu gọn, tránh trùng lắp, trãnh lãng phí chi phí của doanh nghiệp và xã hội,...