Truy cập nội dung luôn
SỞ NỘI VỤ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp

16/09/2022 16:01    87

Sáng 15-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chủ trì tại điểm cầu Quảng Ngãi.

Đã cắt giảm, đơn giản hơn 1.700 quy định kinh doanh

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Một số Bộ, cơ quan thực hiện tốt việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh như: Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế,...

Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh được đưa vào vận hành. Tính đến nay, đã cập nhật 17.687 quy định hiện hành, 352 quy định dự kiến ban hành trong 09 dự thảo văn bản QPPL và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định kinh doanh để tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân và theo dõi quá trình thực thi các phương án cải cách.

Người dân làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ- Kiểm soát TTHC tỉnh Quảng Ngãi

Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5.187 TTHC trên 100 lĩnh vực (chiếm 13.47%), theo đó sẽ sửa đổi, bổ sung 232 văn bản để thực thi phương án phân cấp.

Hiện nay, cả nước đã thành lập tổng số 11.700 Bộ phận Một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC; có 6.522 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, cơ quan, địa phương; số TTHC đưa ra thực hiện tại Bộ phận Một cửa các cấp đạt trung bình 96,9%. Cổng Dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành từ tháng 12/2019, tính đến nay đã cung cấp 3.805 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4…

Hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử

Đến nay, việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số giữa các cơ quan hành chính nhà nước ở cả cấp trung ương và địa phương đã được triển khai theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp rút ngắn thời gian xử lý, giảm giấy tờ, bảo đảm công khai, minh bạch.

Tính đến nay, đã có hơn 14,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông, trung bình có khoảng 550 ngàn văn bản/tháng; đặc biệt trong 8 tháng đầu năm 2022, có hơn 3,56 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Theo số liệu cung cấp của các bộ, ngành, địa phương có 98% các đơn vị đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính.

Việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử đã được triển khai quyết liệt tại nhiều bộ, ngành, địa phương, qua đó đã giúp tiết giảm chi phí và thời gian xử lý, nâng cao năng suất lao động, tăng cường công khai, minh bạch, cá thể trách nhiệm đơn vị, cá nhân trong giải quyết công việc. 90% các cơ quan đã xử lý công việc trên môi trường điện tử, 70% lãnh đạo các cấp đã sử dụng chữ ký số cá nhân trong gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường điện tử.

Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua gần 02 năm triển khai, các hệ thống đã hoạt động liên tục thông suốt, với 28.000 cán bộ, công chức trên toàn quốc tham gia vận hành, sử dụng hàng ngày, thực hiện các chế độ báo cáo định kỳ, cung cấp các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, báo cáo hàng ngày trên Hệ thống...

Đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhân và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC của các bộ, ngành, chính quyền địa phương. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần thay đổi tư duy, có cách làm mới, phương pháp tiếp cận, chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa với các cấp lãnh đạo, đặc biệt là cấp trực tiếp tiếp xúc, làm việc với người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần phát huy tinh thần chủ động, tính sáng tạo, huy động mọi nguồn lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, người dân để thực hiện công tác cải cách TTHC với với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực và lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả thực hiện.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát Nhân dân nhất thì giao cấp đó; cắt giảm các khâu trung gian, đơn giản hóa quy trình, TTHC nội bộ; rút ngắn thời gian giải quyết TTHC của cơ quan hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt hơn.

Ngoài ra, cần hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành, bám sát thực tiễn khách quan, không cứng nhắc, dựa vào những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để có điều hành phù hợp, hiệu quả; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao vai trò người đứng đầu; tiếp tục đẩy mạnh áp dụng thực hiện và xử lý TTHC trên môi trường trực tuyến…

Tin liên quan